Tìm hiểu về ngành Cao đẳng Y học cổ truyền
Chương trình đào tạo Hệ Cao đẳng Y học cổ truyền
Tên ngành: Y học cổ truyền
Mã ngành: 6720102
Trình độ đào tạo: Cao đẳng
Hình thức đào tạo: Chính quy
Đối tượng tuyển sinh: Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương
Thời gian đào tạo: 3 năm học
1. Mục tiêu đào tạo
1.1. Mục tiêu chung
Đào tạo người Y sỹ Y học cổ truyền có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và sức khoẻ tốt; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp cơ bản để làm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân chủ yếu bằng thuốc nam, châm cứu xoa bóp và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc; có khả năng tự học nâng cao trình độ góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
1.2. Mục tiêu cụ thể /Năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp
1.2.1. Về kiến thức
– Giải thích được cấu trúc giải phẫu, chức năng sinh lý của các cơ quan, bộ phận trên cơ thể người;
– Đánh giá được sự tác động của virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, các tác nhân vật lý, tác nhân hóa học, vai trò của di truyền lên cơ thể;
– Phát hiện được những trường hợp cấp cứu thường gặp tại tuyến y tế cơ sở;
– Hiểu được công dụng của các loại dược liệu thường dùng, một số Bài thuốc y học cổ truyền;
– Mô tả được các phương pháp bào chế cơ bản của dược liệu y học cổ truyền;
– Mô tả được hệ thống kinh lạc, xác định đúng vị trí và trình bày được tác dụng của các huyệt thường dùng, giải thích các nguyên tắc chọn huyệt trong điều trị;
– Giải thích được kỹ thuật châm, điện châm, kỹ thuật cứu và các thủ thuật bổ tả;
– Mô tả được các động tác xoa bóp tác động lên da, cơ, xương khớp và huyệt. Giải thích tác dụng, chỉ định, chống chỉ định của xoa bóp để áp dụng phù hợp trong điều trị và phòng bệnh;
– Giải thích được các nguyên tắc, phương pháp, tác dụng, chỉ định và chống chỉ định của dưỡng sinh. Mô tả được các động tác dưỡng sinh cơ bản;
– Trình bày và giải thích được các bước thăm khám, chẩn đoán, nguyên tắc điều trị, tiên lượng và dự phòng một số bệnh thường gặp theo y học cổ truyền;
– Phát hiện được các triệu chứng y học cổ truyền thường gặp trên lâm sàng;
– Trình bày được các nguyên tắc đạo đức liên quan đến chăm sóc sức khỏe và trách nhiệm pháp lý của nghề y;
– Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xa hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.
1.2.2. Về kỹ năng
– Giao tiếp hiệu quả với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cộng đồng, các đồng nghiệp trong đội ngũ y tế và trong sinh hoạt khoa học;
– Sử dụng thành thạo các thuật ngữ chuyên môn của ngành y học cổ truyền trong giao tiếp với đồng nghiệp; phản biện và sử dụng các giải pháp thay thế;
– Lập được kế hoạch tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu và giáo dục sức khỏe cộng đồng;
– Thực hiện được các phương pháp khám bệnh, đưa ra pháp trị phù hợp, làm được hồ sơ bệnh án y học cổ truyền một cách tự tin, đầy đủ;
– Thực hiện thành thạo các quy trình kỹ thuật châm, điện châm, cứu, giác hơi, trong điều trị một số bệnh thông thường;
– Thực hiện được kỹ thuật bào chế các loại dược liệu thông thường;
– Thực hiện thành thạo các động tác dưỡng sinh cơ bản, lựa chọn động tác và hướng dẫn được cho từng bệnh nhân cụ thể để phòng và trị bệnh;
– Thực hiện thành thạo các động tác xoa bóp, bấm huyệt để phòng và điều trị bệnh;
– Chỉ định đúng Bài thuốc và gia giảm các vị thuốc hợp lý để điều trị một số bệnh thông thường;
– Thu thập, đánh giá, lưu trữ, sử dụng có chọn lọc các nguồn thông tin cho mục đích tự học, phát triển chuyên môn;
– Truyền đạt hiệu quả các thông tin, ý tưởng, giải pháp cho các đồng nghiệp, hướng dẫn được cho sinh viên thực tập các kiến thức và kỹ năng về chuyên môn;
– Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; khai thác, xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn của ngành, nghề;
– Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.
1.2.3. Về năng lực tự chủ và trách nhiệm
– Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm, giải quyết công việc, vấn đề phức tạp trong điều kiện làm việc thay đổi;
– Hướng dẫn, giám sát các nhân viên trong nhóm, trong tổ hoặc các sinh viên thực tập thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn xác định;
– Chịu trách nhiệm về kết quả công việc của bản thân trước nhóm và cấp trên;
– Đánh giá đúng chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm;
– Chủ động hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất;
– Tuân thủ đúng các quy định về y đức, các quy chế chuyên môn, các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực y học cổ truyền và các quy trình kỹ thuật của ngành y tế
– Chủ động xin ý kiến cấp trên trong trường hợp vượt quá khả năng của mình;
– Xây dựng môi trường làm việc an toàn hiệu quả;
– Thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khoa học và đúng mực trong khi thực hiện nhiệm vụ
1.3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
– Khám và kê đơn thuốc y học cổ truyền;
– Bốc thuốc y học cổ truyền;
– Châm cứu;
– Xoa bóp – bấm huyệt;
– Hướng dẫn tập dưỡng sinh;
– Bào chế dược liệu;
– Kinh doanh thuốc y học cổ truyền;
– Thực hành chuyên môn y học cổ truyền trạm y tế phường (xa);
– Thực hành chuyên môn phòng chẩn trị y học cổ truyền.
2. Khối lượng kiến thức và thời gian khóa học
Số lượng môn học: 36
Khối lượng kiến thức, kỹ năng toàn khóa học: 105 tín chỉ;
Khối lượng kiến thức, kỹ năng toàn khóa học: 2671 giờ;
Khối lượng các môn học chung/đại cương: 435 giờ;
Khối lượng các môn học chuyên môn: 2236 giờ;
Khối lượng lý thuyết: 983 giờ; thực hành, thực tập, thí nghiệm: 1598 giờ;
Khối lượng thi – kiểm tra: 90 giờ